Luật mới tháng 04.2024 cần biết: Phần I Cấp kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng tay nghề cho nhân viên; Thực tập định hướng nghề nghiệp; Trợ cấp đi lại cho học nghề

Các công ty và nhân viên cần được hỗ trợ kinh phí nhiều hơn để bồi dưỡng tay nghề cho người lao động do thay đổi cơ cấu lao động trong xí nghiệp. Từ ngày 01.04, kinh phí đào tạo hỗ trợ bồi dưỡng tay nghề sẽ được nhà nước cấp dùng để thay thế tiền lương khi người lao động nghỉ việc tham gia học bồi dưỡng. Theo đó, nhân viên trong các lĩnh vực liên quan có thể được nghỉ việc tạm thời để hoàn thành khóa đào tạo nâng cao (bồi dưỡng), đồng thời chỗ làm việc vẫn được giữ nguyên.

Theo Cơ quan Việc làm Liên bang Bundesagentur für Arbeit, mức kinh phí hỗ trợ được nhà nước cấp chiếm 60% mức lương cầm tay. Nhân viên có ít nhất một con được cấp 67%. Chủ lao động cũng có thể đóng góp thêm để mức hỗ trợ cho nhân viên được tăng lên. Đồng thời họ chịu trách nhiệm đệ đơn xin cấp kinh phí. Đơn này phải được đệ trình trước khi khai giảng ít nhất 3 tháng.

Điều kiện được cấp tiền hỗ trợ bồi dưỡng tay nghề

Điều kiện cơ bản là nhu cầu về trình độ chuyên môn cần nâng cao liên quan đến phải thay đổi cơ cấu của một bộ phận đáng kể lực lượng lao động của doanh nghiệp. Được gọi là đáng kể, nếu doanh nghiệp có từ 250 nhân viên trở lên, doanh nghiệp cần bồi dưỡng tay nghề cho 20% nhân viên, hoặc nếu doanh nghiệp dưới 250 nhân viên cần bồi dưỡng 10% nhân viên. Đối với doanh nghiệp dưới 10 nhân viên, chỉ cần có doanh nghiệp ra văn bản cam kết cho nhân viên đào tạo tay nghề là đủ.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Chương trình bồi dưỡng tay nghề tổng cộng trên 120 giờ. Không cần thiết phải học liên tục mà lịch học có thể chia nhỏ kéo dài. Thời gian học có thể toàn phần (tức cả ngày), hoặc bán phần, (tức nửa ngày), hoặc xen kẽ vừa làm vừa học.

- Trường đào tạo được cấp giấy phép đào tạo theo chương trình hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng tay nghề, tên tiếng Đức viết tắt là AZAV.

-Kiến thức và kỹ năng được đào tạo không chỉ dừng lại ở mức ngắn hạn, chỉ liên quan đến công việc, mà có thể mở rộng thêm, chẳng hạn đào tạo sử dụng phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp.

-Với tư cách là chủ lao động, doanh nghiệp phải nộp đơn xin trợ cấp kinh phí bằng văn bản (có thể thông qua dịch vụ điện tử). Đơn đăng ký phải được nộp không muộn hơn ba tháng trước khi bắt đầu khóa học bồi dưỡng tay nghề.

- Điều quan trọng là phải được người lao động đồng ý với chương trình đào tạo.

Nộp đơn xin cấp tiền hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng tay nghề

Mỗi khóa học phải nộp hồ sơ xin cấp kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng tay nghề. Đào tạo nghề nâng cao cũng có thể bao gồm một số chương trình nối nhau không nhất thiết phải hoàn thành ngay trong cùng một quãng thời gian liên tục. Nếu có nhiều nhân viên tham gia cùng một khóa đào tạo nghề (nhà cung cấp dịch vụ đào tạo, nội dung và thời gian giống nhau) thì chủ doanh nghiệp chỉ cần đệ đơn chung. Đơn có thể gửi trực tuyến.

Thực tập định hướng nghề nghiệp

Bất kỳ ai vẫn chưa quyết định về lựa chọn nghề nghiệp của mình đều có thể tham gia chương trình thực tập định hướng nghề nghiệp được nhà nước tài trợ từ tháng Tư. Nhà nước chi trả chi phí đi lại và ăn ở cho các đợt thực tập ngắn hạn.

Trợ cấp chi phí di chuyển đi lại cho học sinh học nghề

Học sinh học nghề xa nhà có thể nhận được trợ cấp di chuyển từ tháng 4. Theo đó, trong năm đầu tiên học nghề mỗi tháng 2 lần tiền đi đường về nhà được nhà nước tài trợ.

(Còn tiếp)

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang